Nhà hàng, quán xá đóng cửa, Hà Nội lặng mùa dịch Covid 19
Với mệnh lệnh chỉ đạo từ thủ tướng chính phủ, có hiệu lực từ 1/4/2020. Người dân hạn chế tối đa ra ngoài đường. Trường học, quán ăn, cửa hàng dịch vụ không phải cung cấp nhu yếu phẩm thì phải đóng cửa. Trên khắp 2 bên hè phố, nhà cửa vắng vẻ im ắng. Hà Nội đã có những con đường không 1 bóng người, còn hơn cả tết Nguyên Đán. Điều xưa nay người dân thủ đô hiếm thấy.

Thực tế kể từ những ngày cuối tháng 3, tỉ lệ người dân ra đường đã giảm xuống rõ rệt. Gần như chưa cần phải đến khi thủ tướng chính phủ công bố quyết định cách ly toàn quốc thì đã có nhiều hộ gia đình kinh doanh, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng cho nhân viên làm việc ở nhà. Ra ngoài đường lúc này thực sự vắng vẻ và 1 bầu không khí trầm lắng khác thường ở thủ đô. Người dân và tổ chức - doanh nghiệp hưởng ứng chương trình phòng chống dịch của chính phủ nên quyết tâm không ra đường khi không có việc cấp bách. Cộng thêm thời tiết những ngày gần đây không có nắng, chỉ có mưa và trời trở lạnh. Điều này càng làm tăng thêm sự thiếu sức sống và trái ngược hoàn toàn với nhịp sống hối hả, sôi động của thủ đô những lúc trước đó.
Có vẻ như người ta chỉ nhìn thấy sự vận động của thành phố qua các tòa nhà cao tầng đang xây dựng dở. 1 vài công trường vẫn còn máy móc và con người hoạt động. Không còn những con đường ồn ào với xe cộ chen chúc nhau. Không còn những con phố ẩm thực sôi nổi đông đúc. Không còn những trung tâm vui chơi mua sắm nào nhiệt. Tất cả chìm trong 1 bầu không khí im ắng đến tĩnh mịch. Toàn thành phố là 1 màu xám u ám. Không có nhiều ánh nắng mặt trời, chỉ có mây xám bay trong bầu trời đục, mưa rả rích rơi trên từng con phố vắng lặng. Những công trình kiến trúc từ tòa nhà cao tầng đến nhà trong phố nhỏ, nhìn đâu cũng chỉ thấy 1 gam màu buồn tẻ.
Ảnh: khung cảnh vắng lạnh hơn dưới mưa, chỉ còn các tòa nhà xây dựng còn hoạt động
Dịch bệnh mang đến những thiệt hại to lớn, không chỉ về sức khỏe con người mà còn cả nền kinh tế - xã hội. Nhưng với việc bảo vệ sinh mạng và sức khỏe con người luôn là ưu tiên hàng đầu, chúng ta đã lựa chọn đúng đắn. Nhưng không thể phủ nhận hệ lụy mang lại bởi dịch bệnh. Hàng hóa tồn ứ không thể thông thương xuất khẩu giữa các quốc gia dẫn đến nhiều doanh nghiệp nguy cơ khủng hoảng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ liêu xiêu điêu đứng và đối diện với nguy cơ phá sản thực sự khi không thể hoạt động bình thường. Nhiều lao động bị mất việc làm, nhiều doanh nhân bỗng chốc trắng tay bởi dịch bệnh nguy hiểm này. Mặc dù chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ cho toàn bộ xã hội nhưng hệ lụy chắc chắn sẽ còn kéo dài nghiêm trọng.